Massage – Nghề mũi nhọn của Hội Người mù Việt Nam

1. Tổng quan

Năm 2023, dân số Việt Nam là hơn 99,5 triệu người. Theo điều tra quốc gia về NKT Việt Nam năm 2016, số người khuyết tật cả nước là 6,2 triệu người trong đó số người khiếm thị là 1,03 triệu người. Trong các nghề của người khiếm thị, nghề massage được đánh giá là phù hợp và có thu nhập cao nhất. Sau gần 20 năm, nghề massage của người mù đã phát triển tại hầu hết các địa phương.

Nhân viên massage của Hội Người mù Việt Nam (VBA) phần lớn được đào tạo tại các trung tâm của Hội; kinh phí do Nhà nước hỗ trợ hoặc do các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ. Chương trình, giảng dạy, cấp chứng chỉ hành nghề do các trường của Bộ Y tế, các trung tâm của Hội và một số tổ chức khác thực hiện. Thời gian đào tạo như sau:

- Đào tạo nghề sơ cấp: từ 3 đến dưới 12 tháng

- Đào tạo nghề trung cấp: 12 đến 24 tháng

- Đào tạo nghề trình độ cao đẳng: trên 24 đến 36 tháng

 Thiết kế phòng, trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo khác tuân thủ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và an toàn vệ sinh lao động của ngành lao động. Nhiều người lao động được chăm lo về giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa, thể thao, văn nghệ, tham gia tập huấn nâng cao tay nghề hoặc hội thi tay nghề các cấp. Một số người được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Kết quả đạt được

Dịch vụ massage của VBA ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có 275 cơ sở massage do các cấp Hội quản lí, với 1.677 nhân viên khiếm thị. Số tổ nhóm massage do hội viên tự đứng ra tổ chức là 785 tổ nhóm, với 3.143 nhân viên khiếm thị.

Tổng doanh thu năm 2022 tại các cơ sở của Hội đạt 3,3 triệu USD (bằng 74,3% doanh thu năm 2019, trước khi có đại dịch COVID 19 - 4,4 triệu USD), lương bình quân của nhân viên làm massage là 128 USD/người/ tháng. Một số người đạt từ 300 - 450 USD/người/ tháng. 

Cơ sở massage của người khiếm thị được ưu tiên theo các chính sách về cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật được quy định ở Luật Người khuyết tật.

Để tôn vinh tay nghề các kỹ thuật viên cũng như tạo điều kiện giao lưu học hỏi giữa các đơn vị, VBA tổ chức Hội thi tay nghề Tẩm quất xoa bóp toàn quốc lần thứ I, II, III vào các năm 2017, 2019, 2022. Dự kiến lần thứ IV vào năm 2024.

Về mặt kỹ thuật, massage ở Việt Nam theo phương pháp cổ truyền kết hợp với hiện đại.

Trong chương trình đào tạo massage cơ bản, VBA đã đưa vào giảng dạy kỹ thuật chữa trị 10 bệnh thông thường. Trong chương trình đào tạo nâng cao, VBA chú trọng vào phương pháp tác động cột sống. Ngoài ra, một số lớp massage Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Pháp… cũng đã được Hội tổ chức. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã mở 02 lớp Y sĩ Y học cổ truyền với 48 học viên, đây là bước đột phá mới trong công tác đào tạo nghề chuyên sâu đối với người khiếm thị trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh.

3. Một số khó khăn, hạn chế

Một số cơ sở phải đóng cửa trong đại dịch COVID – 19, đến nay, các cơ sở đã hoạt động trở lại, nhưng doanh thu chưa thể bằng thời điểm trước đại dịch.

Bên cạnh những nhân viên có tay nghề và kỹ năng mềm tốt vẫn có nhân viên sức khỏe, kỹ năng còn yếu, khả năng giao tiếp hạn chế, nhất là xử lý các tình huống nhạy cảm trong quá trình làm nghề. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, chỉ 15,6%.

Một số Tỉnh, Thành hội đào tạo theo hình thức truyền nghề nên người học không được trang bị phần học lý thuyết hoặc không có chứng chỉ đào tạo.

4. Định hướng phát triển và các giải pháp trong thời gian tới

Tiếp tục phát triển và mở rộng mạng lưới các cơ sở massage của người khiếm thị, từng bước nâng cấp phòng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ và hướng tới dịch vụ xoa bóp chữa bệnh. Phấn đấu đưa nghề massage y học của người khiếm thị thành một thương hiệu có uy tín. Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của kỹ thuật viên, nhân viên tăng khoảng 10%/năm, nâng dần tỷ lệ người đóng bảo hiểm xã hội.

Nâng cao chất lượng dạy nghề. Đảm bảo hầu hết học viên có việc làm sau đào tạo. Tổ chức các hội thi tay nghề cấp tỉnh và quốc gia.

Xây dựng câu lạc bộ xoa bóp của người khiếm thị tại các địa phương, tiến tới xây dựng Hiệp hội nghề xoa bóp của người khiếm thị Việt Nam nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, phương thức quản lý, hỗ trợ điều chuyển nhân lực, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, hướng tới sự ổn định và phát triển chung của nghề massage người khiếm thị.

5. Kiến nghị

Nhà nước Việt Nam hoàn thiện chính sách về đào tạo nghề massage y học cho người khiếm thị ở trình độ trung cấp trở lên, tạo điều kiện cho người khiếm thị đạt các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, bằng cấp tham gia làm việc tại bệnh viện và các cơ sở y tế khác.

VBA mong muốn ngày càng có nhiều Hội thảo về kinh nghiệm tổ chức dịch vụ massage, nâng cao kỹ thuật, tham quan học tập và hỗ trợ đào tạo, trao đổi và chuyển giao chương trình đào tạo của các nước trong khu vực để dịch vụ massage của người khiếm thị ngày càng phát triển bền vững.

Cập nhật lần cuối: 9/6/2023

Bài viết cùng chuyên mục


Hoạt động tiêu biểu của hội
Đất nước con người Việt Nam
lm75neqpb8klj755
TinTuc
lgvml43p3xw3zh3x